Thế giới số và bữa trưa miễn phí

Bạn đang sống trong một thế giới số, hay nói một cách thân thiện và gần gũi hơn là sống ảo trên internet, và thật tuyệt vời khi mỗi tháng bạn phải trả tầm vài trăm ngàn tiền cung ứng hạ tầng mạng và có thể tha hồ đọc tin tức, kiểm tra email, xem video, tán gẫu với bạn bè, chém gió chém bão trên Facebook. Tuyệt vời hơn nữa là bạn có thể làm những chuyện đó miễn phí, Gmail miễn phí, Android miễn phí, Windows 10 cũng miễn phí nâng cấp trong vòng 1 năm, Facebook cho bạn upload ảnh, video và đăng status chém gió xuyên biên giới mà chẳng giới hạn dung lượng lưu trữ mà cũng chẳng thèm thu một xu nào từ bạn hết. Vậy liệu tất cả những thứ trên có đều miễn phí 100% hay không, hôm nay Sơn sẽ nêu ra một vài quan điểm cá nhân để làm rõ chuyện này, miễn phí hay không cứ đọc hết sẽ biết nhé.

Bạn đi ra ngoài cửa hàng, mua một chiếc Xperia XZ Premium mới cáu, chạy Android 7.1.1 thời thượng, tính năng mới ngập tràn. May mắn thay bạn chẳng phải trả tiền bản quyền cho hệ điều hành Android chạy trên đó, nó miễn phí. Bạn thầm nghĩ rằng những điều mà mấy thằng bạn IT đã từng nói với bạn là sai hoàn toàn, kiểu như “miễn phí thì sẽ bị hiện quảng cáo đầy màn hình”. Nhưng mà ô kìa, chiếc máy Android hoạt động mượt mà mà chẳng thấy quảng cáo đâu cả. Vậy có gì sai không? Có, Google (chủ nhân của Android) thực sự không hề thô lỗ tới mức kiếm tiền bằng cách hiển thị quảng cáo to đùng trên thanh thông báo hay dưới khu vực gần các phím điều hướng đâu. Họ có cách khác tinh tế hơn để kiếm tiền, đầu tiên, khi mở máy lên ở lần đầu sau khi bóc hộp, bạn sẽ được Google khuyến cáo (theo kiểu bắt buộc) đăng nhập ngay vào một tài khoản Google (dân VN hay gọi là Gmail). Sau khi đăng nhập xong, một loạt các dịch vụ “thời thượng” như theo dõi vị trí sẽ được bật với mức độ chính xác mặc định ở mức cao nhất. Chưa hết, với các cảm biến trong máy, Google hoàn toàn biết được tần suất bạn di chuyển bằng các phương tiện giao thông, hay đơn giản hơn là bạn đang đi bộ với tốc độ bao nhiêu. Kết hợp những dữ liệu đó với dữ liệu tìm kiếm từ Google Search, Gmail và các sản phẩm phổ biến khác như YouTube thì Google hoàn toàn biết được bạn là ai, chính xác tuổi (ngay cả khi bạn cố ý khai báo sai tuổi lúc đăng ký tài khoản), giờ đi làm, giờ ra về, hay uống cafe ở đâu, bao lâu, với ai, nói những chuyện gì (qua micro của điện thoại). Ba mẹ bạn hay thậm chí vợ bạn cũng chẳng hiểu bạn nhiều như Google đâu. Vậy nên một ngày nọ, nếu bạn thấy quảng cáo của Google về một loại bao cao su nào đó thì cũng đừng ngạc nhiên, có thể bạn đã thường xuyên đứng quá lâu trước một cửa tiệm người lớn rồi đấy, và Google hiểu được chuyện đó nên đã đưa ra một ô quảng cáo thích hợp cho bạn. Mọi chuyện chưa dừng ở đó, Google còn dùng cả Gmail để theo dõi bạn nữa, họ đọc toàn bộ email của bạn (bao gồm cả các email riêng tư), sau đó dùng deep learning để có thể phân tích nội dung, cuối cùng là dội cho bạn một đống quảng cáo là bạn nhìn là sẽ thích. Bạn đã từng gặp trường hợp book vé máy bay, và tầm 3 tiếng trước giờ bay thì máy Android hiện một thông báo nhỏ xinh nói rằng bạn nên rời khỏi nhà ngay bây giờ để kịp làm thủ tục checkin ở sân bay chưa? Việc của bạn lúc đó là đi ra khỏi nhà, và nếu muốn, Android cũng có thể gợi ý gọi Uber hoặc Grab nếu máy bạn có cài các app này.

Đó là Google và một phần những dịch vụ “miễn phí” của họ, giờ Sơn sẽ qua nói về Facebook nha. Với lượng người dùng ở VN lên tới gần 45 triệu thì FB thực sự là mạng xã hội số 1 tại VN (và cả trên hành tinh này nữa). Hằng ngày, bạn được phép đăng ảnh, tải video để chia sẻ với bạn bè trên FB, chất lượng thì khỏi bàn, video full HD, ảnh ọt đẹp lung linh như Ngọc Trinh. Quá ngon, tất cả đều miễn phí hết mà, kể cả cái app FB cho các hệ điều hành cũng được phát hành miễn phí và cập nhật hàng ngày với các tính năng thời thượng như live stream chẳng hạn. Nhưng, đằng sau cái miễn phí đó sẽ là những thứ mà có thể bạn chưa hề biết, cùng Sơn khám phá nhé. Mọi việc bắt đầu khi bạn mở app FB trên điện thoại, chọn 1 tấm ảnh để đăng lên chia sẻ cùng bạn bè. Lúc đó app FB sẽ gửi ảnh lên server, tại đó ảnh của bạn sẽ được đọc metadata của bức ảnh, xem thử thời gian chụp là khi nào, vị trí chụp ảnh, ảnh chụp có mặt những ai. Đó là lý do vì sao bạn thấy sau khi ảnh được chọn xong thì đôi khi tag vị trí cũng được FB tự động gắn luôn, thậm chí bạn bè cũng được tag đầy đủ không thiếu một ai. Tất cả có được là do FB đã upload ảnh của bạn lên server của họ ngay khi bạn chỉ mới chọn ảnh đó chứ chưa hề ấn Publish. Tiếp đến, app FB cũng sẽ được dùng để theo dõi các vị trí mà bạn lui tới mỗi ngày. AI sẽ học hỏi thêm bạn hay tương tác với những ai, bạn nói những gì với họ qua Messenger (cả voice và text). Chưa kể việc các website đặt các nút like của FB vào trong website của họ thì cũng là một cách âm thầm giúp FB theo dõi tất cả những người dùng internet, ngay cả khi họ chưa sở hữu tài khoản FB. Tất cả những gì bạn làm mỗi ngày, FB đều biết hết: đi đâu, với ai, trong bao lâu, bạn đang xem web nào, nghe bài hát gì, thích áo màu gì, muốn tìm người yêu cùng giới hay khác giới,… Một khi đã am hiểu bạn hơn cả bản thân bạn thì FB bắt đầu dội quảng cáo, quảng cáo ngập tràn News Feed, ở thanh bên phải, và hiện nay thì quảng cáo cũng lọt vào giữa video trên FB nữa cơ.

Còn thánh Microsoft thì sao, thánh này có cái hệ điều hành Windows Mobile sống dở chết dở, cũng chẳng có mạng xã hội đông người dùng như FB, vậy hắn theo dõi khách hàng và kiếm lợi ra sao? Microsoft cũng cung cấp rất nhiều các dịch vụ miễn phí như lưu trữ đám mây OneDrive, office online, email miễn phí, Windows 10 miễn phí. Với dịch vụ email Outlook, MS cũng đang thực hiện việc theo dõi khách hàng như Google làm với Gmail, họ sử dụng máy tính (có kèm AI) để quét qua các email của khách hàng, sau đó phân tích nó, để rồi kết quả của mối tính ấy sẽ là vẫn những mẫu quảng cáo nằm trong khu vực xem email của Outlook web app luôn. Ngay từ những ngày đầu ra mắt thì Windows 10 đã được MS cho phép người dùng nâng cấp miễn phí từ một phiên bản Windows thấp hơn lên. Và sau đó ít lâu, hàng loạt scandal như Windows 10 có kèm phần mềm theo dõi thao tác gõ phím, hay Edge gửi thông tin truy vấn tìm kiếm của người dùng về server MS lần lượt được khui ra. MS tất nhiên ngu gì mà nhận lỗi về họ chứ, họ sẽ chối bay chối biến kiểu như “đấy là một tính năng giúp chúng tôi cải thiện trải nghiệm của khách hàng, mọi dữ liệu gửi về server của chúng tôi đều không kèm thông tin cá nhân và được mã hóa kỹ càng”. Nếu bạn tin những lời đó thì thôi, Sơn xin cạn lời. Đó chỉ là những lời nói hoa mỹ phát ra từ những cái miệng dẻo như kẹo kéo nằm xoa dịu khách hàng và sau đó họ sẽ âm thầm gỡ tính năng theo dõi khách hàng, hoặc là nâng cấp nó lên với mức độ “ẩn danh” kỹ hơn để khỏi bị các chuyên gia bảo mật soi mói nữa.

Trên đây chỉ là ví dụ về 3 hãng công nghệ lớn, và tất nhiên những gì mà Sơn ví dụ chỉ là một phần nhỏ trong hàng tá việc họ có thể nghĩ ra để mà theo dõi người dùng từng bước một, thu thập dữ liệu và kiếm lợi từ đó. Bạn nghĩ rằng các dịch vụ họ cung cấp như Gmail, YouTube, OneDrive đều miễn phí ư? Không, chi phí xây dựng data center, nhân sự quản trị, tiền thưởng cho nhân viên cao ngất trời đều là tiền, và cần phải có nguồn cung tiền ở đâu đó để mà họ bù đắp vào các chi phí đó chứ? Thật không may, chính chúng ta, chúng ta chính là những kẻ đang ngày ngày cống nạp thông tin cá nhân cho các công ty công nghệ một cách hoàn toàn tự nguyện để có thể sử dụng Gmail miễn phí, xem YouTube hay lưu trữ file trên OneDrive. Nếu giờ bạn đọc được bài này thì cũng quá muộn rồi, thông tin của bạn đã bị các công ty trên nắm cả rồi, trong tương lai gần tới đây, nguồn tài nguyên quý giá nhất sẽ có thể không còn là dầu mỏ nữa, mà đó là thông tin cá nhân của hàng tỉ cư dân trên Trái Đất này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.